BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Tags

Ngũ vận Lục khí là gì ?

Đăng bởi Ncs, Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 17/10/2018 | 0 bình luận

1. Khoa dự báo có giá trị nhất:

Lâu nay, khi nói đến khoa lý số, phương thuật, dự trắc cổ đại, người ta thường chỉ hay nhắc tới "Tử vi", "Bát tự", "Tử bình", "Kỳ môn độn giáp", "Thái ất thần số", ... Thực ra, còn có một bộ môn hết sức quan trọng nằm trong Hệ thống lý luận cơ bản của Đông y, đó là "Ngũ vận Lục khí", thường hay gọi tắt là "Vận Khí học".

 

 

Trong các phương pháp dự trắc cổ đại, "Vận Khí học" được giới học thuật xưa và nay công nhận là phương pháp dự báo có độ chính xác và giá trị thực tiễn cao nhất.

Ngũ vận Lục khí học lấy "Thiên nhân hợp nhất" làm tư tưởng chủ đạo. Nghĩa là công nhận: "Có một số phép tắc chung, có tính phổ quát, chi phối tất cả các biến động trong vũ trụ, từ sự vận hành của thiên thể, biến động của thời tiết khí hậu, cho đến những biến đổi của sinh vật và phi sinh vật".

Ngay từ khi bắt đầu hình thành, Đông y học đã được xây dựng theo mô thức "Tự nhiên - Sinh học - Xã hội". Đó không phải là mô thức "Y học sinh học" thuần túy của Tây y trong thuở sơ khai, cũng không phải là mô thức "Sinh học - Tâm lý - Xã hội" của Y học hiện đại ngày nay.

 

 

Do được xây dựng trên cơ sở "Thiên nhân hợp nhất", nên trong mô thức y học của Đông y còn có thêm nhân tố sinh thái.

Đông y luôn nhìn nhận cơ thể con người như một "Hệ thống mở". Con người là một thành phần trong giới tự nhiên. Con người và thiên nhiên là một thể thống nhất. Mọi hoạt động sinh mệnh của con người đều gắn liền với những biến đổi của môi trường, sinh thái chung quanh.

Sức khỏe là một trạng thái cân bằng động: Cân bằng giữa nhân thể với môi trường bên ngoài và cân bằng giữa các bộ phận bên trong nhân thể. Sự vận động và biến đổi của Ngũ vận và Lục khí có ảnh hưởng rất lớn đối với các hoạt động sinh mệnh và sự hình thành, diễn biến của bệnh tật. Do đó, trong dưỡng sinh phòng bệnh cũng như trong chữa trị bệnh tật, Đông y luôn tuân theo nguyên tắc tổng quát: "Nhân thời, nhân địa, nhân nhân chế nghi" - căn cứ vào điều kiện thời tiết khí hậu trong từng thời điểm (nhân thời), hoàn cảnh địa lý (nhân địa) và đặc điểm cụ thể của từng người (nhân nhân) để lập ra phương án phòng trị thích hợp.

Chính vì Đông y là một khoa "Y học sinh thái", do đó muốn thành thầy thuốc theo đúng nghĩa thì cần phải "Thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự".

2. Vận khí học với Đông y học:

"Vận Khí" là tên gọi tắt của "Ngũ vận" và "Lục khí".

Theo nghĩa rộng, đó là lý thuyết về mối quan hệ vĩ mô giữa những biến động của vũ trụ với những biến động của vạn vật. "Vạn vật" nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là "hệ sinh thái", bao gồm toàn bộ sinh vật (thực vật, đông vật, vi sinh vật) và phi sinh vật trong môi trường (ánh sáng mặt trời, ôn độ, nước, không khí, thổ nhưỡng).

Theo nghĩa hẹp, Vận Khí là một bộ môn trong Đông y học chuyên tính toán, dự báo về sự biến đổi của thời tiết khí hậu hàng năm và tác động của những biến đổi đó đối với tổ chức kết cấu, chức năng sinh lý và bệnh lý của con người, để chỉ đạo dưỡng sinh, phòng bệnh và chữa bệnh có hiệu quả nhất.

Vận Khí học là bộ phận không tách rời của Đông y học và từ xưa đến nay luôn được y gia các thời đại coi trọng. Chính như Hải Thượng Lãn Ông đã nhận định: "Không thông Ngũ vận Lục khí thì đọc hết các sách cũng chẳng làm được việc gì". Còn sách Nội Kinh thì có câu: "Không hiểu Lục khí gia lâm hàng năm, sự thịnh suy của tiết khí, bệnh khí hư thực, không thể coi là lương y".

Giáo sư Dương Lực ở Viện nghiên cứu Trung y Bắc Kinh (Trung Quốc) đã so sánh: "Nếu nói "Hoàng Đế Nội Kinh" là chiếc vương niệm của Đông y, thì Vận Khí học là viên ngọc sáng đính trên vương niệm đó. Có điều, viên ngọc đó chỉ dành cho những người không sợ khó khăn và nguy hiểm, dám dũng cảm vươn tới những đỉnh cao của khoa học. Nói cách khác, Vận Khí học là bộ phận tinh túy, uyên thâm nhất trong Đông y học, song cũng là một lý luận rất bí áo, hết sức khó hiểu".

Ngay bậc kiệt xuất như Lãn Ông khi nghiên cứu Vận Khí học cũng phải than rằng: "... khi đọc đến quyển Vận Khí, cảm thấy mờ mịt như người đi đêm, chẳng khác nào trăng dưới nước, hoa trong gương, chỉ trông thấy mà không cầm lấy được, ... khiến người trong cuộc phải thèm rỏ dãi".

Sau nhiều năm khổ công nghiên cứu và vài lần "toan cất làm của riêng", cuối cùng Lãn Ông đã quyết định "tiết lộ thiên cơ" và viết cuốn Vận Khí bí điển để cho môn Vận Khí học "trở thành vật báu chung của trăm họ".

3. Ứng dụng lâm sàng:

Trong quá trình chẩn đoán và điều trị trên lâm sàng, ngoài việc sử dụng tư liệu thu được qua chẩn đoán ở từng người bệnh để tiến hành biện chứng luận trị theo "Bát cương" - "Âm Dương, Biểu Lý, Hàn Nhiệt, Hư Thực", người thầy thuốc Đông y còn chú ý đến thời gian và hoàn cảnh phát bệnh, nghĩa là còn luôn luôn tính đến mối quan hệ thống nhất giữa cơ thể con người với hoàn cảnh, môi trường sinh thái chung quanh.

Thí dụ, ngay cả khi chữa trị cảm mạo một chứng bệnh rất thường gặp, Đông y cũng luôn luôn căn cứ vào tình hình cụ thể mà áp dụng những biện pháp, vị thuốc chữa trị khác nhau: Mùa đông bị cảm lạnh thì sử dụng những vị thuốc cay nóng để "phát tán phong hàn" như ma hoàng, quế chi, tế tân, kinh giới, tử tô, ... Mùa hè bị cảm nóng thì sử dụng những vị thuốc cay mát để "phát tán phong nhiệt" như trúc diệp (lá tre), cát căn (rễ sắn dây), bạc hà, tang diệp (lá dâu tằm), cúc hoa, ...

 

 

Một ví dụ khác: Năm 1955 khi ở Thạch Gia Trang (Trung Quốc) bùng phát dịch viêm não B, các thầy thuốc đã sử dụng bài thuốc "Thạch cao thang" chữa trị đạt kết quả tốt. Tới năm 1956 ở Bắc Kinh cũng phát sinh dịch viêm não B, người ta cũng dùng "Thạch cao thang" nhưng không kết quả. Về sau phải cải tiến, dùng các bài thuốc giải trừ thấp nhiệt và phương hương hóa thấp thì mới có kết quả tốt. Lý do: Cùng là một bệnh viêm não B nhưng bệnh dịch phát tác trong các mùa khác nhau (thời gian hoàn cảnh khác nhau). Tại Thạch Gia Trang bệnh dịch phát sinh vào giữa mùa hè, khí hậu viêm nhiệt, tính chất của bệnh thiên về "nhiệt". Còn ở Bắc Kinh phát sinh trong mùa trưởng hạ, trời mưa liên miên, tính chất của bệnh thiên về "thấp", nên phương pháp chữa trị và vị thuốc cũng phải khác đi. Đây cũng là một thí dụ hết sức tiêu biểu thể hiện tính ưu việt của phương pháp chữa bệnh theo quan điểm sinh thái "Thiên nhân hợp nhất" của Đông y học.

Lương y HƯ ĐAN

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806