Món ăn - Bài thuốc chữa hoa mắt chóng mặt

Đăng bởi Ncs, Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 10/11/2018 | 0 bình luận

Hoa mắt chóng mặt đột ngột, là một trạng thái bệnh lý rất hay gặp, nhất là khi mắc phải một số bệnh nội khoa, như cao huyết áp, thiếu máu, xơ cứng động mạch não, hoặc một số chứng bệnh tai trong (bệnh Mènière, viêm tai trong, ...), trúng độc, cảm cúm, ...

 

 

Đông y gọi hiện tượng hoa mắt chóng mặt đột ngột - mặt mày xây xẩm, là "huyễn vựng". "Huyễn" có nghĩa là hoa mắt, trước mắt tối sầm, không nhìn thấy gì; "vựng" là choáng váng, có cảm giác mọi vật quay cuồng, mất thăng bằng không thể đứng vững. Hoa mắt và chóng mặt hay xuất hiện đồng thời, cho nên Đông y gọi chung là "huyễn vựng".

Trường hợp huyễn vựng nhẹ, chỉ cần nhắm mắt lại là hết. Trường hợp bệnh phát nặng, cảm thấy người tròng trành, nghiêng qua nghiêng lại, như đang ngồi trên thuyền, trên xe, không sao đứng lên được, thậm chí đột nhiên ngã lăn quay, ngất xỉu.

Huyễn vựng thường xuất hiện cùng với một số chứng trạng khác, như lợm giọng, nôn mửa, vã mồ hôi, ù tai, sức nghe giảm, điếc tạm thời, trong tai có tiếng như ve kêu, ...

 

 

Với những trường hợp huyễn vựng "thứ phát", nghĩa là do một căn bệnh khác gây nên, ví dụ như cao huyết áp, thiếu máu, ... cần đến bệnh viện, để tập trung chữa trị các bệnh liên quan.

Còn đối với những trường hợp, tuy đã tới bệnh viện khám, chiếu chụp, xét nghiệm, ... mà vẫn không thể xác định chính xác căn nguyên, thì có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể của bản thân, mà chọn dùng các Món ăn - Bài thuốc, theo phương pháp "Biện chứng thực trị" của Đông y, cụ thể như sau:

1. THỂ CAN PHONG NỘI ĐỘNG

- Biểu hiện: Thỉnh thoảng bỗng nhiên bị hoa mắt, chóng mặt, kèm theo tai ù, có tiếng như ve kêu, lợm giọng, nôn mửa, ... Mỗi khi tình cảm biến động mạnh, hoặc tinh thần căng thẳng, thì bệnh phát nặng hơn. Thường ngày hay đau đầu, thỉnh thoảng mặt đỏ bừng từng cơn, bồn chồn, dễ cáu giận, ngủ ít, mộng nhiều, miệng đắng hoặc chua, ngực sườn đầy trướng, nóng rét qua lại, lưỡi không rêu, mạch huyền (căng như dây đàn).

- Phép chữa: Bình Can tức phong, Tư dưỡng Can Thận.

- Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc, dưới đây để chữa:

(1) Canh hạ khô thảo: Hạ khô thảo 20g, thịt lợn nạc 50g, mắm muối và gia vị lượng thích hợp; thịt lợn nạc thái lát mỏng, cho vào nồi cùng với hạ khô thảo, thêm lượng nước thích hợp, nấu nhỏ lửa tới khi thịt chín nhừ, thêm mắm muối và gia vị, dùng làm thức ăn trong bữa trưa, liên tục 7 ngày (1 liệu trình); nếu chưa khỏi, nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục một liệu trình khác.

(2) Nước ép nho và rau cần: Dùng rau cần tây 2 phần, nho 1 phần; nho rửa sạch, hong khô; rau cần rửa sạch, hong khô, cắt nhỏ; tất cả đem giã nát, vắt lấy nước uống; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 20ml, liên tục 15 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

(3) Chè ngó sen: Dùng ngẫu tiết phấn (bột ngó sen) 20g, thiên ma 9g, câu đằng 12g, thạch quyết minh 15g, đường trắng lượng thích hợp; các vị thuốc thiên ma, câu đằng và thạch quyết minh, đem sắc kĩ, chắt lấy nước bỏ bã, cho bột ngó sen và đường vào trộn đều; chia ra ăn trong ngày, liên tục 10 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

2. THỂ ĐÀM THẤP

- Biểu hiện: Thường hay bị bỗng nhiên hoa mắt chóng mặt, ngực ngột ngạt, lợm giọng, nôn mửa, tai ù. Thường ngày thấy đầu nặng, tinh thần thiếu tỉnh táo, người uể oải, ngại cử động, chân tay tê - trướng - đau, ăn kém, ngủ nhiều, chất lưỡu bệu ở rìa có vết răng, rêu lưỡi cáu bẩn, mạch hoạt (trơn).

- Phép chữa: Trừ thấp hóa đàm, Kiện tỳ thăng thanh.

- Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc, dưới đây để chữa:

 

 

(1) Cháo trần bì ý dĩ: Vỏ quít tươi 20g (khô 10g), ý dĩ nhân (hạt bo bo) 50g; nấu cháo ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7-8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

(2) Cháo trúc nhự địa long: Trúc nhự 9g, địa long 6g, trần bì 9g, ý dĩ nhân 20g, đường đỏ lượng thích hợp; sắc kĩ các vị thuốc trúc nhự, địa long và trần bì, chắt lấy nước (bỏ bã), cho ý dĩ đã vo sạch vào nấu cháo, thêm đường đỏ, chia ra ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7-8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

(3) Cháo linh chi xích đậu: Nấm linh chi 15g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 18g, gạo tẻ 60g; nấu cháo ăn, liên tục từng đợt 7-8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

 

 

(4) Kiện tỳ hóa thấp ẩm: Dùng đảng sâm 20g, bạch truật 10g, táo đỏ (táo tầu) 5 quả, hương phụ (củ gấu)15g, ý dĩ nhân 15g, can khương (gừng khô) 5g, trần bì (vỏ quít lâu năm) 6g, cam thảo 5g; sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục từng đợt 7-8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

(5) Trà thiên ma quất bì: Thiên ma 10g, vỏ quít tươi 20g (khô 8g); nấu trà uống trong ngày, liên tục 10 ngày; nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 đợt khác.

3. THỂ KHÍ HUYẾT SUY NHƯỢC

- Biểu hiện: Vận động mạnh một chút là mặt mày đột nhiên xây xẩm. Thường ngày người mệt mỏi, tinh thần uể oải, hơi thở yếu, ngại nói, sắc diện không tươi, môi và móng chân tay nhợt nhạt, tóc khô, trống ngực, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, ngủ ít, ăn uống giảm, bụng đầy, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược (nhỏ yếu).

- Phép chữa: Bổ khí dưỡng huyết.

- Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc, dưới đây để chữa:

(1) Thịt dê hầm: Thịt dê 250g (thái miếng), hoàng kỳ 25g, đảng sâm 25g, đương quy 25g, gừng tươi, mắm muối gia vị lượng thích hợp; hoàng kỳ, đảng sâm, đương quy bọc vào túi vải, cùng với thịt dê cho vào nồi, thêm nước, hầm nhỏ lửa tới khi thịt chín nhừ, thêm mắm muối cho vừa miệng; chia ra ăn trong các bữa ăn (ăn thịt, uống nước canh), liên tục từng đợt 7-8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

 

 

(2) Cháo hà thủ ô: Hà thủ ô 30-60g, gạo tẻ 90g, táo tầu 4 trái, đường phèn lượng thích hợp; sắc hà thủ ô lấy nước (bỏ bã), đem nấu với táo tầu, gạo tẻ thành cháo; chia ra ăn trong ngày, liên tục từng đợt 7-8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

(3) Bổ khí dưỡng huyết ẩm: Đảng sâm 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, đương quy 12g, thổ phục linh 10g, long nhãn 9g, viễn chí 6g, táo nhân (sao đen) 12g, mộc hương 9g, đại táo 7 trái, cam thảo 6g; sắc với 1200 ml nước, đun cạn còn 300ml, chia thành 2 phần uống lúc sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ; liên tục 7-8 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

4. THỂ THẬN TINH BẤT TÚC

- Chứng trạng: Huyễn vựng, tai ù, tinh thần uể oải, ngủ ít, ngủ mê nhiều, lưng gối mỏi đau, hoặc kèm theo di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm), tóc rụng nhiều, răng lung lay, lưỡi nhợt, mạch trầm tế.

- Phép chữa: Bổ thận điền tinh.

- Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc, dưới đây để chữa:

(1) Canh óc lợn thiên ma: Dùng óc lợn 1 bộ, thiên ma 10g, mắm muối gia vị lượng thích hợp; cho óc lợn và thiên ma vào nồi, thêm nước, nấu nhỏ lửa 1 tiếng, vớt thiên ma ra, thêm mắm muối cho vừa khẩu vị; chia ra ăn trong ngày (ăn óc và uống nước canh), liên tục 7-8 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

(2) Gà giò hầm thủ ô: Gà giò 1 con, hà thủ ô chế 20g; gà làm sạch lông, bỏ nội tạng, nhồi hà thủ ô vào bụng gà, thêm gia vị, hầm chín ăn; cách 1 ngày ăn 1 lần, liên tục 2 tuần (1 liệu trình); nghỉ 1 tuần, lại tiếp tục một 1 liệu trình khác.

Lương y HƯ ĐAN

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806