Cách kê đơn thuốc Đông y hiệu quả

Đăng bởi Ncs, Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 26/09/2018 | 0 bình luận

 

 

Sau khi chẩn bệnh, căn cứ vào tình hình cụ thể của bệnh, thầy thuốc thường kê đơn thuốc, dặn dò cách sử dụng, cách kiêng khem khi uống thuốc.

Cách kê đơn dùng thuốc căn cứ vào tình hình cụ thể của bệnh, được Đông y gọi là biện chứng luận trị - nghĩa là căn cứ vào chứng trạng của bệnh nhân mà biện luận cách chữa trị. Biện chứng luận trị khác với lề lối làm việc của những người chỉ biết tác dụng của bài thuốc, vị thuốc rồi dùng chung cho tất cả mọi người. Coi như vậy thì luận chứng biện trị không phải là một biện pháp chữa bệnh độc đáo gì của Đông y, chỉ có cách nói khác nhau. Người thầy thuốc Tây y biết chú ý tới từng trường hợp cụ thể mà thay đổi thuốc cho thích hợp thì cũng đã làm công việc biện chứng luận trị. Ta không nên thần bí hóa một việc đơn giản.

 

 

Nội dung đơn thuốc có thể là những bài thuốc gia truyền kinh nghiệm, cũng có thể là những bài thuốc sẵn có như bài lục vị, bài tứ quân, tứ vật, .v.v. Có khi gia giảm thêm vị này, bớt vị khác (thường gọi là gia: thêm; giảm: bớt), có khi người ta lại dựa vào toa thuốc căn bản theo kinh nghiệm của quân dân y Nam Bộ kháng chiến, mà thêm bớt cho thích hợp với từng bệnh cụ thể, mặt khác người thầy thuốc cũng có thể chỉ dựa hoàn toàn vào vào các triệu chứng tật bệnh chẩn đoán được mà kê một bài thuốc theo sáng kiến hay kinh nghiệm của mình.

 

 

 

 

 

Để việc kê đơn thuốc Đông y được tốt, chúng ta cần tránh một số nhận định mà chúng tôi cho là chưa hoàn toàn đúng:

1. Đơn thuốc Đông y phải có nhiều vị?

Những người này thường thấy trong đơn thuốc Đông y có tới 20-30 vị, có khi tới 40-50 vị hay hơn nữa. Điều nhận xét đó có phần đúng. Nói chung, một số lương y hay kê những đơn thuốc nhiều vị thuốc, nhưng ta không nên vì vậy mà quan niệm rằng đơn thuốc Đông y nhất thiết phải có nhiều vị.

Nhìn qua lịch sử Đông y và dựa vào một số bài thuốc kinh nghiệm đã nổi tiếng, ta thấy có rất nhiều bài có tác dụng rõ rệt mà cũng chỉ gồm 4 hay 5 vị, như bài tứ quân bổ khí có 4 vị là sâm(đảng sâm hay nhân sâm), linh (phục linh), truật (bạch truật), thảo (cam thảo); bài tứ vật bổ huyết cũng chỉ có 4 vị là quy (đương quy), khung (xuyên khung), thục (thục địa), thược (bạch thược hay xích thược); bài tiểu thừa khí nổi tiếng chữa đầy bụng, táo bón, nóng sốt từng cơn, cũng chỉ có 3 vị là đại hoàng, hậu phácchỉ thực.

Có những bài thuốc chỉ có 2 vị, như bài lục nhất (lục là 6, nhất là 1, vì trong bài thuốc có 6 phần hoạt thạch và 1 phần cam thảo) chữa cảm sốt, người nóng, miệng khô, tiểu tiện đỏ; bài thủy lục nhị tiên thang gồm 2 vị là kim anhkhiếm thực. Lại có nhiều bài chỉ gồm có 1 vị như cao ban long, agiao, cao quy bản, .v.v.

 

 

Trương Trọng Cảnh - một danh y thời xưa của Trung Quốc, có uy tín tới mức các cụ lang coi như là một Thánh sư trong Đông y, khi kê đơn thuốc thường dùng chỉ 4 hay 5 vị, đặc biết lắm mới thấy dùng tới 6 hay 8 vị, rất ít khi dùng hơn.

Coi vậy ta thấy khi kê đơn thuốc Đông y, nhất thiết không bắt buộc phải kê nhiều vị, ta có thể dùng 1 vị, 2 vị hay 3 hoặc 4 vị, nhưng điều chủ yếu là phải cân nhắc thật cẩn thận.

2. Liều lượng các vị thuốc Đông y nên như thế nào?

Một số người cho rằng dùng thuốc Đông y phải dùng liều lượng cao từ hàng lạng (40g) trở lên, có những thang thuốc phải dùng một cái ấm khá lớn mới có thể sắc được.

Sự thực không cần thiết như vậy. Nếu vị thuốc còn tươi thì có thể phải dùng liệu lượng nhiều chừng 30-50g trở lên; nhưng sau khi đã phơi khô, hoặc khi dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác, ta chỉ cần liều lượng trung bình của mỗi vị từ 4-12g (1-3 đồng cân). Khi phối hợp nhiều vị với nhau, ta có thể giảm liều xuống 1/3 hay 1/2.

 

 

Một số vị thuốc mạnh như xạ hương, ngưu hoàng, thềm tô (nhựa cóc) cần dùng với liều lượng rất thấp để tránh ngộ độc.

Khi mới kê đơn, ta chưa nhớ liều lượng, nên mỗi khi dùng cần xem lại tài liệu, một khi đã quen rồi thì ta không cần tra cứu nữa.

3. Vấn đề kiêng khem khi uống thuốc Đông y

Hiện nay, trong khi uống thuốc Đông y, một số lương y bắt bệnh nhân kiên nhiều món ăn quá, như rau muống, đậu xanh, thịt gà, cá chép, các món ăn tanh như tôm cá, đôi khi lại không cho phối hợp với các vị thuốc Tây. Cách đòi hỏi đó đã gây một ấn tượng không tốt đối với thuốc Đông y, mà thực tế không có cơ sở chính xác.

Phải nhận thấy rằng khi mắc một số bệnh, hay khi uống một số vị thuốc, bệnh nhân cần tránh ăn một số thức ăn, hay cần tránh uống cùng một lúc với một số vị thuốc có tác dụng ngược lại với vị thuốc đang uống, hay có thể gây với những vị thuốc đang uống một số phản ứng làm cho thuốc trở thành độc hay nguy hiểm.

 

 

Điều này có cơ sở khoa học và đã được chứng minh, trong Tây y có quy định.

Qua kinh nghiệm thực tế lâm sàng, ông cha ta cũng đã phát hiện thấy khi uống một số vị thuốc Đông y hay khi mắc một số bệnh thì cần tránh một số vị thuốc nhất định; điều này có ghi trong các sách; ví dụ trong sách cổ có ghi những người Âm hư nhiệt (?) không dùng được vị ngải cứu; những người hư nhược không tích trệ không dùng vị nga truật; phàm những người nào Tỳ Vị hư hàn mà không có nhiệt độc không nên dùng vị hoa kim ngân, .v.v.

Nhiều vị thuốc sau khi ghi tác dụng còn ghi vị thuốc đó ghét vị thuốc nào khác (tương ố), hay sợ vị thuốc nào khác (tương úy) hoặc có tác dụng ngược lại với vị thuốc nào khác (tương phản); một số vị thuốc lại có tác dụng tiêu diệt sức phản ứng trúng độc của một vị thuốc khác, như vị phòng phong trừ độc tính của vị phê sương (tương sát).

Mặc dầu một số danh từ một số bệnh ghi trong sách cổ rất khó xác định, nhưng trong khi cho dùng thuốc Đông y, ta nên theo dõi xem trường hợp nào cần tránh vị thuốc nào, để nếu cần thiết thì viết lại theo quan niệm bệnh mới; đối với sự tương kỵ hay tương úy, tương ố giữa một số vị thuốc cũng vậy ta nên theo dõi để rồi quy định lại.

Chúng ta dùng thuốc Đông y nên có ý thức vừa dùng vừa rút kinh nghiệm. Đối với việc kiêng khem cũng nên như vậy. Những trường hợp đã đúng và chính xác rồi thì ta nên theo và nghiên cứu thêm để nắm nguyên nhân vì sao phải kiêng khem, nhưng cũng có nhiều trường hợp cần kiểm tra lại vì do người nọ truyền người kia, tam sao thất bản làm cho việc kiêng khem có màu sắc thần bí, không bảo đảm chính xác.

Trên cơ sở đó ta thấy vừa dùng thuốc Tây vừa dùng thuốc Đông không mất tác dụng của loại thuốc nào, miễn là những vị thuốc dùng cùng một lúc không có vị nào có tác dụng ngược lại nhau hay phá hủy tác dụng của nhau.

 

Nội dung một đơn thuốc Đông y

Trong một đơn thuốc Đông người ta thường nói phải có đủ thành phần quân, thần, , sứ. Đó cũng chỉ là cách nói của người xưa dưới chế độ phong kiến. Coi triều đình có Vua, có Quan thì đơn thuốc cũng phải vị chính, vị phụ, vị nào chủ yếu, vị nào bổ trợ.

Quân là vị thuốc chủ yếu để chữa bệnh, nhằm giải quyết triệu chứng chủ yếu cần phải thanh toán. Một vị quân không bắt buộc phải có liều lượng cao hơn các vị thuốc khác trong đơn, vì nếu là vị thuốc có tác dụng mạnh thì chỉ cần liều nhỏ cũng đủ.

Thần là vị thuốc đóng vai trò giúp đỡ làm cho hiệu lực của vị thuốc chủ yếu mạnh thêm.

là vị thuốc nhằm hai mục đích, một là ức chế vị quân khi vị quân có độc quá cao hay tác dụng hơi thiên lệch; mục đích thứ hai nhằm giúp vị quân giải quyết một số triệu chứng thứ yếu của tật bệnh, khi bệnh kèm theo một số triệu chứng khác.

Sứ cũng dùng nhằm hai mục đích, một là để nó dẫn các chất thuốc vào Kinh như dùng vị khương hoạt để dẫn thuốc vào Kinh thái dương, dùng cát căn để đưa thuốc vào Kinh dương minh; tác dụng thứ hai của nó là đóng vai trò thứ yếu, hỗ trợ trong đơn thuốc.

Ví dụ trong đơn ma hoàng thang của Trương Trọng Cảnh dùng chữa các chứng suyễn mà không ra mồ hôi, nhức đầu, phát sốt, thân thể đau nhức, có những vị thuốc sau đây "ma hoàng là vị quân làm cho ra mồ hôi và giải biểu, quế chi là thần giúp ma hoàng làm cho ra mồ hôi và giải biểu, hạnh nhân là tá giúp ma hoàng hạ cơn suyễn, cam thảo là sứ điều hòa các vị thuốc".

Tuy đơn phải có đủ quân, thần, tá, sứ nhưng không nhất thiết đơn nào cũng phải có đủ 4 vị, vì có khi 1 vị cũng có thể làm nhiệm vụ cả quân và sứ hoặc cả thần và tá.

 

Tóm lại vấn đề quân, thần, tá, sứ trong đơn thuốc Đông y cũng cùng một ý nghĩa như khi kê một đơn thuốc Tây là có vị chính, vị phụ. Nắm vững nhiệm vụ của từng vị trong đơn thuốc là ta có thể kê được.

Các dạng thuốc kê trong đơn

Đơn thuốc Đông y căn bản cũng giống như đơn thuốc Tây y; ngoài dạng thuốc tiêm không có trong Đông y những hình thức khác không khác Tây y nhiều lắm. Ngay như thang thuốc mua về phải sắc làm sao cho ta cảm như đó là một dạng thuốc độc đáo của Đông y cũng đã có trong Tây y với tên chè (thé) hay espèces có tên la tinh là Species, gồm nhiều vị thuốc thảo mộc cắt thái nhỏ để hãm hay sắc uống.

Hiểu như vậy để chúng ta có thể vững tâm khi kê đơn thuốc Đông y có chăng chỉ có khác nhau do danh từ dùng khác nhau.

Sau đây là một số dạnh thuốc thường dùng trong Đông y:

1. Thuốc thang: Là một dạng thuốc gồm nhiều vị thuốc thảo mộc, động vật hay khoáng vật đã chế biến thái nhỏ để sắc hay ngâm rượu uống. Thuốc thang tác dụng nhanh do đó hay dùng trong trường hợp cấp tính.

Có những thang thuốc phải sắc lâu mới khỏi độc và thuốc mới chữa khỏi bệnh, như đơn thuốc có vị phụ tử nhưng cũng có những thang thuốc chỉ cần đun sôi 15-30 phút là dùng được rồi.

 

 

2. Thuốc viên (hoàn): Thường chế bằng cách tán các vị thuốc thành bột, rồi luyện với nước, hay với mật mía hay mật ong, hoặc nước hồ rồi viên thành viên.

Thuốc viên thường tan chậm cho nên thường dùng khi cần chữa bệnh mãn tính, nhưng cũng có khi dùng viên để chữa bệnh cấp tính, vì thuốc thơm có tinh dầu nếu dùng sắc sẽ kém tác dụng do đó chế thành viên sẽ tốt hơn. Nếu chế đúng phép, bảo quản tốt, thuốc viên có thể để lâu được, khi bất thường phải dùng đến có ngay, rất tiện.

3. Thuốc bột (tán): Là các thuốc tán nhỏ. Thuốc bột có thể chỉ gồm 1 vị, nhưng cũng có thể gồm nhiều vị. Thuốc bột dùng uống hay dùng rắc ngoài da. Khi bôi ngoài có thể thêm nước khuấy đều bôi lên hay rắc bột khô lên. Có khi còn dùng thổi vào mũi, vào lỗ tai.

Dùng thuốc bột uống có thể chiêu thuốc bằng nước thường, nước chè hay nước cơm. Điều bất tiện của thuốc bột thảo mộc là hay mốc mọt.

4. Thuốc cao: Có 2 loại thuốc cao là loại để uống và loại để dán ngoài. Thuốc cao uống căn bản chế bằng cách sắc các vị thuốc bằng nước rồi cô cho tới đặc hay hơi mềm. Trong cao có thể cho thêm đường hay mật để thêm ngọt dễ uống.

Thuốc cao dán ngoài thường là một loại xà phòng chì trong đó có hòa tan các vị thuốc và chất nhựa như nhựa thông, một dược, .v.v.

Cao dán ngoài thường được phết lên vải hay giấy bản để dán lên nơi mụn nhọt.

Ngoài loại cao dán nhọt, còn loại cao gây nóng thường dùng dán vào những huyệt châm cứu để kích thích thay kim hay thay mồi ngải cứu, ví dụ cao thiếu lâm.

5. Đơn (đan): Lúc đầu chữ đơn chỉ dành để chỉ những thuốc chế từ kim loại như hồng đơn (chì oxyt); về sau những đơn thuốc chế phức tạp cũng gọi là đơn. Cùng loại với thuốc viên hoàn hay thuốc đĩnh. Có thể nói chữ đơn hiện nay đã mất ý nghĩa ban đầu để chỉ một dạng thuốc mà chữ đơn hiện nay bao gồm cả viên hoàn và viên đĩnh (xem chữ đĩnh).

6. Thuốc rượu: Đem các vị thuốc ngâm với rượu (35-40 độ) hay cho rượu vào nấu cách thủy cho chất thuốc tan hết vào rượu, sau đó bỏ bã lấy rượu uống hay bôi xoa bên ngoài. Rượu thuốc có tác dụng nhanh, đưa thuốc đi khắp cơ thể, lại dễ để dành không hỏng. Nhưng có một số thuốc không tan vào rượu, không thể dùng dạng thuốc này được.

7. Thuốc nước cất (lộ): Là một dạng thuốc chế bằng cách cho thuốc vào nước rồi cất lấy chất bay hơi. Mùi vị thơm nhạt dễ uống. Tuy nhiên dạng thuốc này ít được sử dụng.

8. Thuốc đĩnh: Là một dạng thuốc gồm các vị thuốc tán nhỏ, luyện với một chất nước dính rồi chế thành thỏi như chiếc bút chì ngắn hai đầu tròn có thể nuốt hay mài với nước mà uống hay bôi lên chỗ đau. Có khi không chế thành thỏi mà chế thành bánh. Tên đĩnh là vì dạng thuốc giống như đĩnh bạc, thoi vàng ngày xưa dùng chi tiêu thay tiền.

9. Thuốc xông: Có hai loại thuốc xông là xông lửa, bỏ các vị thuốc vào lò than lửa, lấy khói xông vào chỗ đau, như dùng hùng hoàng để xông); có khi cho vào nước đun sôi lấy hơi nước mang theo hơi thuốc mà xông vào chỗ bị đau, như khi ta dùng ngũ bội tử nấu xông chữa trĩ.

10. Tọa dược: Là thuốc viên hay thuốc đĩnh nhưng gói vào lụa để vào âm đạo chữa khí hư bạch đới của phụ nữ.

So sánh cân lạng ta và kilôgam

- Một yến ta = 10 cân ta = 6,048kg, nếu theo Dược điển Trung Quốc, 1963, thì một yến ta bằng đúng 5kg.

- Một cân ta (thị cân Trung Quốc) = 16 lạng ta = 0,6048kg hoặc 0,500kg (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

- Một lạng ta = 10 đồng cân hay 10 tiền = 37,77g hoặc 31,25g (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

- Một phân ta = 10 ly = 0,377g hay 0,3125g (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

- Một lai ta = 0,00377g hay 0,0031g (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

Hiện nay ta đã quy định dùng theo cân lạng kg .v.v. Tuy nhiên ta cần biết bảng so sánh đối chiếu này để đọc và tham khảo các tài liệu cũ.

 

Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI

 

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806